Chọn Lọc Dự Án Để 'Bơm' Tín Dụng Vì BĐS Là Lĩnh Vực Rủi Ro, Biến Động Lớn

Các chuyên gia cho rằng, bất động sản là một lĩnh vực rủi ro, giá bất động sản biến động lớn, do đó không đặt vấn đề siết tín dụng bất động sản, nhưng các tổ chức tín dụng phải xem xét những dự án nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để đảm bảo an toàn hệ thống và có thể thu hồi được gốc và lãi.

Không có chuyện siết tín dụng bất động sản

Thời gian qua, câu chuyện siết, quản tín dụng vào bất động sản nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước câu hỏi dòng vốn vào bất động sản đã "nóng" tới mức phải siết lại hay chưa?, chia sẻ tại buổi tọa đàm vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản.

“Dòng tiền tín dụng vẫn đầu tư cho bất động sản thời gian vừa qua, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung chưa cao bằng, điển hình 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 14%, còn của bất động sản là 12%. Đây là một trong những định hướng của Chính phủ và NHNN", đại diện Hiệp hội Ngân hàng nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước). Ảnh: Hữu Nghị.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước). Ảnh: Hữu Nghị.

Theo ông Hùng, nói đến tín dụng bất động sản, phải đặt vấn đề đây là ngành nghề hết sức quan trọng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực phụ trợ, vì vậy việc đầu tư cho lĩnh vực bất động sản luôn được quan tâm. NHNN đã thực hiện chức năng chính sách tiền tệ và việc “bơm” vốn cho lĩnh vực bất động sản.

Quan điểm của NHNN, dòng tiền ngắn hạn đầu tư trung dài hạn tới đây cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. Các ngân hàng xem xét, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cần chọn dự án đầu tư có hiệu quả, dự án đầy đủ tính pháp lý thì mới cho vay.

"NHNN vẫn chỉ đạo ngân hàng thương mại đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, xem xét chọn lọc đối tượng phù hợp và đầu tư có hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống, cần có chính sách phù hợp, đầu tư vào sản xuất. Đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, trái phiếu có tính rủi ro nên các ngân hàng phải cân nhắc đầu tư phù hợp", ông Hùng chia sẻ.

Theo đại diện Hiệp hội ngân hàng, không đặt vấn đề là siết tín dụng bất động sản mà phải đặt vấn đề là chỉ đạo của Chính phủ, NHNN rằng lĩnh vực bất động sản là một lĩnh vực rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giá bất động sản biến động rất lớn, quá cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản hết sức rủi ro.

“Đơn cử, trước đây giá 100 triệu đồng/m2 và ngân hàng cho vay 50% giá trị tài sản đảm bảo, tức cho vay 50 triệu đồng nhưng, giá thời điểm hiện nay có thể lên đến 300 triệu đồng. Như vậy, vẫn tài sản đấy mà ngân hàng cho 150 triệu đồng. Nếu không phải là giá trị thật, khi có sự biến động khiến giá BĐS giảm xuống thì rủi ro rất lớn. Do đó, không đặt vấn đề siết tín dụng bất động sản, nhưng các tổ chức tín dụng phải xem xét những dự án nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để đảm bảo an toàn hệ thống và có thể thu hồi được gốc và lãi”, ông Hùng nhấn mạnh.

Kiểm soát vốn tín dụng tùy phân khúc, tùy dự án

Đồng quan điểm, ông Vương Duy Dũng - Trưởng phòng Quản lý nhà thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, vấn đề kiểm soát tín dụng vào động sản thời gian qua được dư luận quan tâm. NHNN cũng đã lên tiếng khẳng định không có chủ trương siết tín dụng mà là kiểm soát dòng vốn để tránh rủi ro, hướng dòng vốn sử dụng đúng mục đích.

Trước câu hỏi việc thị trường đã quá "nóng" đến mức cần có sự kiểm soát hay chưa?, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời gian vừa qua, giá bất động sản có xu hướng biến động rất mạnh. Nhưng không phải là tất cả, bất động sản có nhiều phân khúc, loại hình khác nhau chứ không chỉ có một, có phân khúc cao cấp, dành cho nhà đầu cơ, có phân khúc phục vụ chủ yếu để tiêu dùng.

“Những phân khúc dành cho người dân, người thu nhập thấp, trung bình, cho công nhân là những bất động sản chủ yếu phục vụ mục đích tiêu dùng… Thì việc đầu tư cho các loại hình này tương đối an toàn, đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. Quan điểm của tôi là cần khuyến khích để hỗ trợ phát triển các loại hình này”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, những phân khúc có tính đầu cơ, giá rất cao, thì cần có sự kiểm soát, sự xem xét thận trọng. Không chỉ kiểm soát tín dụng, ngay cả về việc kiểm soát quản lý đầu tư kinh doanh những loại hình đó cũng cần được quan tâm, chặt chẽ. Nhìn chung, việc kiểm soát vốn tín dụng cũng phải tùy theo các phân khúc, tùy dự án, chứ không áp chung với mọi dự án.

Theo Ninh Phan

Tiền Phong




Chia sẻ bài viết này:

Bài viết liên quan:
Đà Nẵng Đón Làn Gió Mới Với Những Khu Đô Thị Ven Sông Bài Bản

Sau thời kỳ đóng băng bởi đại dịch Covid-19, Đà Nẵng đang có những bước chuyển mình tích cực để nhanh chóng trở lại đường đua, giữ vững vị thế là thủ phủ du lịch Miền Trung, thành phố đáng...

Kiểm Soát Hoạt Động Môi Giới Bất Động Sản

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản (MGBĐS) Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực MGBĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động...