Doanh Nghiệp Địa Ốc "Than" Thị Trường Đang Rất Khó

Kịch bản thị trường bất động sản gam màu xám nhiều hơn đã được các chuyên gia, và chủ doanh nghiệp bất động sản đưa ra trong bối cảnh biến động như hiện tại. Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng được tháo gỡ khó khăn để thị trường địa ốc phục hồi.

Có hàng loạt lý do khiến doanh nghiệp địa ốc đang rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Vướng mắc về thủ tục pháp lý kéo dài nhiều năm nay, siết tín dụng vào bất động sản cùng động thái kiểm soát chặt chẽ thị trường đã tác động mạnh vào diễn biến của kênh đầu tư này.

Doanh nghiệp "than" khó

Trong một hội nghị góp ý về sửa đổi luật liên quan đến thị trường bất động sản mới đây, ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng thẳng thắn cho rằng, dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi xin báo cáo, thị trường bất động sản đang rất khó. Hệ thống ngân hàng đang dừng hết việc cho vay, gây khó khăn về vốn rất lớn cho các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Ông Toàn cho rằng, cần có gỡ vướng về pháp lý, nguồn vốn để thị trường được khơi thông. Nếu không thì kịch bản khó khăn cùng các hệ lụy từ thời điểm đến hiện tại sẽ trở nên khó khăn. Và thậm chí, dự án bất động sản lớn, nhỏ nếu dừng triển khai, thị trường sẽ bị tắc nghẽn, thậm chí đi đến bờ vực.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest nhấn mạnh rằng: sự chồng chéo của pháp luật, tín dụng bị siết chặt đang tạo ra hai gọng kìm khiến thị trường bất động sản vô cùng khó khăn.

Thừa nhận về sự khó khăn của thị trường địa ốc, ông Hiệp kiến nghị về việc cần sớm phê duyệt việc sửa đổi, tránh lùi lại việc sửa đổi luật. Bởi như vậy, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục chịu nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển.

Chuyên gia cũng lo ngại kịch bản thiếu sáng của thị trường

Ở góc độ nghiên cứu về thị trường, các chuyên gia cũng nhìn nhận về khó khăn mà bất động sản đang phải đối mặt. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chỉ ra 6 điểm vướng khiến thị trường gặp khó khăn.

Thứ nhất, theo ông Khôi, vẫn còn nhiều chồng chéo, chi phối đan xen giữa các luật trong triển khai thực hiện dự án nhà ở và bất động sản.

Thứ hai, quy hoạch, kế hoạch có địa phương, có ngành chưa đồng bộ giữa kế hoạch sử dụng đất đai với dự án đầu tư nhà ở, bất động sản.

Thứ ba, cơ chế, chính sách, trong đó có việc đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ cũng còn nhiều bất cập.

Thứ tư, vấn đề tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoặc Việt Kiều chưa có quốc tịch Việt Nam thì vấn đề mua và sở hữu nhà ở, bất động sản ra sao? Đây cũng là vấn đề cần đặt ra.

Thứ năm, hoạt động dịch vụ môi giới tự do nhiều, chưa tạo ra môi trường thị trường bất động sản công khai, minh bạch.

Thứ sáu, vấn đề mua bán chuyển nhượng toàn bộ dự án hay một phần dự án bất động sản liên quan đến quy định hình thành trong tương lai (kể cả bất động sản du lịch) cũng còn nhiều vướng mắc.

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) nhìn nhận, khi siết chặt nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các tổ chức tín dụng đều có thể gặp khó khăn, rủi ro.

Trong báo cáo mới đây của Savills, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - nhận định, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn.

Các chuyên gia của FiinRatings mới đây nhìn nhận về kịch bản khó vỡ nợ của trái phiếu bất động sản. Nhưng rồi, với loạt chỉ số, nhóm chuyên gia này đặt ra lo ngại về việc cẩn trọng không thị trường có thể đảo chiều.

Theo chuyên gia FiinRatings, doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam phải gánh lãi suất tương đối cao trong thời gian dài. Đây là một trong rủi ro tương đối quan trọng.

Mặt khác, các công ty bất động sản thường nhạy cảm với những thay đổi chính sách kinh tế, đặc biệt chính sách liên quan đến lãi suất. Đáng chú ý là trong cơ cấu nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc, vay nợ chiếm tỷ lệ rất cao. Thế nên, những thay đổi về lãi suất có thể ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp bất động sản và nhu cầu của người mua.

Như vậy, doanh nghiệp bất động sản vừa phải đối mặt áp lực trả nợ lớn nếu siết tín dụng xảy ra, trong khi chính họ đang phải gồng mình phục hồi sau một thời gian ảnh hưởng bởi dịch và các vấn đề thay đổi liên quan tới pháp luật.

Triệu Vương

Theo Nhịp sống kinh tế




Chia sẻ bài viết này:

Bài viết liên quan:
Đà Nẵng Đón Làn Gió Mới Với Những Khu Đô Thị Ven Sông Bài Bản

Sau thời kỳ đóng băng bởi đại dịch Covid-19, Đà Nẵng đang có những bước chuyển mình tích cực để nhanh chóng trở lại đường đua, giữ vững vị thế là thủ phủ du lịch Miền Trung, thành phố đáng...

Kiểm Soát Hoạt Động Môi Giới Bất Động Sản

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản (MGBĐS) Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực MGBĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động...