Nguồn cung bất động sản nhà ở sụt giảm đẩy giá nhà rao bán leo thang. Trong tháng 5, mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 8%, của TP.HCM tăng 5%.
Theo báo cáo thị trường bất động sản tháng 5 của Batdongsan.com.vn, giá rao bán chung cư Hà Nội và TP.HCM trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng so với mặt bằng giá 2021. Trong đó, Hà Nội có tốc độ tăng giá căn hộ nhanh hơn TP.HCM. Cụ thể, mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 8%, của TP.HCM tăng 5%. Bên cạnh giá rao bán tăng, tháng 5/2022 cũng ghi nhận mức độ quan tâm hầu hết các phân khúc chung cư ở hai đô thị lớn tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Hà Nội, nhu cầu tìm thuê căn hộ tăng 6%, nhu cầu tìm mua căn hộ tăng lần lượt 6% và 4% đối với phân khúc cao cấp và trung cấp và chỉ giảm nhẹ 3% ở phân khúc bình dân trong tháng 5/2022 so với tháng 5/2021.
Tại TP.HCM, mức độ quan tâm căn hộ cho thuê tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tìm mua căn hộ cao cấp và trung cấp tăng 14% và 5%. Riêng căn hộ bình dân có nhu cầu mua giảm 14%. Tháng 5/2022, lượng tin đăng bán phân khúc này cũng giảm đến 18% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá nhà tăng cao liên tục là do tình trạng khan hiếm nhà ở. Giá nhà đã vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân được biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6 - 7 lần thu nhập).
Bên cạnh đó, thị trường đang xảy ra tình trạng lệch pha cung-cầu dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Đây là hai loại hình đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị nhưng do thiếu nguồn cung trong khi lực cầu rất lớn dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.
Không những vậy, thị trường xảy ra tình trạng lệch pha phân khúc thị trường về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.
HoREA cho rằng, để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường bất động sản thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Muốn vậy, trước hết phải tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội,...
Sau thời kỳ đóng băng bởi đại dịch Covid-19, Đà Nẵng đang có những bước chuyển mình tích cực để nhanh chóng trở lại đường đua, giữ vững vị thế là thủ phủ du lịch Miền Trung, thành phố đáng...
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản (MGBĐS) Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực MGBĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động...