Xu Hướng Bỏ Phố Về Rừng Làm Homestay, Farmstay, Đam Mê Thực Sự Hay Chỉ Là Kinh Doanh Nhất Thời?

Một bạn trẻ đã từng tâm sự: Con đường bỏ phố về rừng chưa bao giờ là dễ dàng. Đừng đi vì ai cũng đi, đừng đến đó vì ai cũng đến đó, đừng ở lại vì ai cũng ở lại hoặc là bạn đang muốn chạy trốn. Bạn cần có bước chuẩn bị rõ ràng về tài chính và kỹ năng để tạo dựng một sự nghiệp mới.

Có lẽ câu chuyện bỏ phố về rừng để kinh doanh (ngoại trừ những người bỏ phố về rừng để nghỉ dưỡng, khi điều kiện đã quá đủ đầy) vẫn chưa bao giờ hết nóng. Nhất là những năm qua, xu hướng này trở nên "rộ" hơn bao giờ hết. Thế nhưng, có lẽ xu hướng này còn nhiều vấn đề để bàn, nết xét ở khía cạnh kinh doanh.

Theo các chuyên gia, bỏ phố về rừng không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thì bỏ. Đó là câu chuyện của ý chí lập nghiệp, có sinh kế bền vững, biến việc về quê thành một xu hướng chọn việc làm của một thế hệ, khi Việt Nam có đến hơn 65% dân số ở khu vực nông thôn.

Xu hướng bỏ phố về rừng khi dịch bệnh diễn ra diễn ra ở khắp trên thế giới, không chỉ riêng ở nước ta. Sự dịch chuyển này cũng mang tới nhiều cơ hội cùng thách thức mới. Các bạn trẻ có lối sống đô thị, tiếp nhận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật có thể mang những điều học được khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng nông thôn.

Thực tế, sau đợt dịch Covid-19, nhiều người muốn sống trong một không gian gần gũi với thiên nhiên hơn, sống chậm hơn, an nhiên hơn... và đã chọn cách "bỏ phố về rừng".

Hiện giờ nhiều người có xu hướng bỏ phố về vườn, sống đời giản dị. Nghe qua cũng thích nhưng sự thực là không đơn giản. Trước khi quyết định "bỏ phố về vườn hoặc rừng", cần có một thời gian dài chuẩn bị và phải xác định phía trước chắc chắn còn rất nhiều thử thách đang chờ.

Theo kinh nghiệm của những người đi trước, nếu ai đó vẫn yêu công việc văn phòng, yêu phố thị nhộn nhịp thì hãy tiếp tục vui, gắn bó với phố thị. Còn về với vùng quê cũng có những vất vả, khó khăn, thậm chí thất bại...

Thực tế, sau đợt dịch Covid-19, nhiều người muốn sống trong một không gian gần gũi với thiên nhiên hơn, sống chậm hơn, an nhiên hơn

Trong thực tế, không ít người vội vã bỏ phố về vườn, về rừng rồi lại vội vã trở lại. Do vậy, với những ai đang cân nhắc cuộc sống "bỏ phố về rừng" cần lường được con đường phía trước.

Bỏ phố về vườn, về rừng cần có sự chuẩn bị các kế hoạch về chỗ ở, nghề nghiệp, gia đình, con cái, mục đích sống, ý nghĩa sống..., đồng thời phải nghĩ kỹ xem liệu mình có thể gắn bó với nơi này hay không?

Có người lên rừng chăn dê, có người về quê làm trang trại, lại có người tìm đến những khu du lịch nổi tiếng để làm homestay, kinh doanh dịch vụ du lịch… Theo các chuyên gia, dù chọn con đường nào thì có điều chắc chắn là cuộc sống của những người trẻ khi rời đô thị dù được coi là bình yên hơn thì vẫn không thể thoát khỏi vòng cơm áo gạo tiền.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang từng cho rằng năm 2022 sẽ là năm bản lề để các sản phẩm mới là BĐS an toàn gồm đất sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng thích nghi với thị trường. Nếu như trước đây việc sở hữu BĐS thường gói gọn trong 3 giá trị là kênh trú ẩn tài sản, nơi đầu tư sinh lời và nơi để ở thì sau khi xuất hiện đại dịch Covid -19, nhiều người đã thay đổi nhận thức, xuất hiện trào lưu "bỏ phố về rừng" để sống an toàn. Theo đó, một loại hình BĐS mới xuất hiện là các khu đất sinh thái với "sóng đầu tư" ngày càng lan rộng ra các vùng xa trung tâm.

Đồng thời, xu hướng second home (ngôi nhà thứ hai) cũng xuất hiện với các biệt thự nghỉ dưỡng cách rất xa trung tâm cho những nhà đầu tư sở hữu lượng tiền mặt lớn.

Ông Quang cho biết, hiện tại có thể chia cách thức đầu tư homestay/farmstay theo hai dạng. Thứ nhất là "bỏ phố về vườn", những bạn trẻ sẵn sàng bán hết nhà cửa về lập nghiệp. Thứ hai, nhóm đối tượng là cư dân thành phố muốn mua một mảnh vườn hay căn nhà nhỏ để làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần và cho thuê khi phòng trống.

Với nhóm thứ nhất, ông Quang bày tỏ quan điểm: "Đối tượng đó tôi thực sự rất hoan nghênh vì họ cảm thấy cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn. Còn dưới góc độ bất động sản, tôi quan sát thấy rằng sau một thời gian làm homestay, những bạn "bỏ phố về vườn" mà đam mê nông nghiệp thực sự, làm nghiêm túc, dù sau 5 năm có thể thất bại nhưng giá những lô đất đó lúc nào cũng tăng gấp đôi.

Với nhóm thứ hai, việc đầu tư một mảnh vườn nhỏ rồi xây nhà làm nơi nghỉ dưỡng có thể đối mặt với rất nhiều vấn đề. Bởi lẽ, chúng ta không phải ai cũng biết làm nông nghiệp, đừng nghĩ mua đất là có thể trồng được cây, làm được vườn. Việc chăm sóc từng loại cây đều cần kỹ thuật, chưa kể đến việc không quen với môi trường sống dân dã tại nông thôn.

Về mặt pháp lý, không phải cứ có đất là xây được nhà. Nếu như người dân nông thôn đã sinh sống ở đó từ lâu, họ xây một căn nhà nhỏ thì có thể được chấp nhận, nhưng với người từ thành phố về, nếu không phải đất thổ cư thì chính quyền sẽ không cho phép xây dựng. Do đó, phải mua đất đã được chuyển đổi sang thổ cư.

Đồng thời, khi làm nhà vườn hay homestay nên lưu ý chọn khu vực có mật độ dân cư cao. Ông Quang chỉ ra thực trạng hiện nay, nhiều khu vực "sốt" giá như ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá đã tăng gấp 3 - 5 lần thậm chí ngang ngửa với Tp.HCM nhưng mật độ dân cư cực kỳ thấp.

Về mặt quản lý, nhà vườn hay farmstay đều cần đầu tư nguồn tài chính và công sức chăm sóc, duy trì không hề nhỏ. Ví dụ, sau khi mua mảnh đất hết 1 tỷ đồng, nhà đầu tư tiếp tục phải chi tiền cải tạo khoảng 200 - 300 triệu đồng, xây thêm nhà mất 400 - 500 triệu đồng, chưa kể hàng tháng phải bỏ ra tiền chăm sóc khoảng 10 triệu đồng.

Một điểm khác mà nhà đầu tư nên lưu tâm đó là tiềm năng phát triển của khu vực đó. Trong tương lai, khu vực này có phát triển thành khu dân cư hoặc khu nghỉ dưỡng hay không? Nếu mua một lô đất trong rừng mà 10 năm tới nó vẫn là rừng hoặc thuộc diện bị nhà nước thu hồi thì tiền đầu tư của chúng ta sẽ trở nên vô ích.

Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên xác định rõ mục đích của mình là gì, chủ yếu để gia đình nghỉ dưỡng hay cho thuê, mục tiêu lợi suất là bao nhiêu, từ đó đưa ra quyết định "rót tiền" vào loại hình bất động sản phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên xác định rõ mục đích của mình là gì, chủ yếu để gia đình nghỉ dưỡng hay cho thuê, mục tiêu lợi suất là bao nhiêu, từ đó đưa ra quyết định "rót tiền" vào loại hình bất động sản phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng phân tích, xu hướng về nông thôn làm trang trại, làm nông nghiệp, làm nhà vườn của nhiều người sống ở thành thị đã diễn ra nhiều năm qua. Đứng đầu là mô hình farmstay kết hợp mô hình nghỉ dưỡng của chủ nhà và cho khách du lịch thuê. Có nhiều dịch vụ này nổi lên ở các tỉnh xung quanh TP.HCM như Bảo Lộc, Đà Lạt và sau đó lan rộng về Long Khánh (Đồng Nai), miền Tây… Gần Hà Nội thì có xu hướng về Sóc Sơn, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…

Mô hình này chủ yếu là tạo ra nông trại gắn liền với cảnh quan thiên nhiên để nghỉ dưỡng. Nhưng để duy trì hoạt động farmstay thì phải có người phục vụ chuyên nghiệp, cần được chăm sóc thường xuyên để tránh tình trạng xuống cấp nên chi phí cao, doanh thu không cáng đáng nổi dẫn đến thua lỗ. Thế nên có nhiều người cách đây 10 - 15 năm đã hào hứng đầu tư farmstay nhưng sau một thời gian lại không phù hợp với môi trường xung quanh; vườn bị hư hại, mất mát… nên cuối cùng đã bỏ hoang hoặc thậm chí bán rẻ rút lui trở lại TP.

"Nếu có ý định đầu tư đất nông nghiệp chờ giá lên cũng như ý định đầu tư đất nền, nhà phố thì phải tìm hiểu kỹ, không nên chạy theo phong trào, giá nhiều nơi đã quá cao. Còn với những cá nhân khi đầu tư làm nông nghiệp về quê ở hẳn thì cũng không dễ thành công nếu vốn ít, quỹ đất nhỏ bởi khi đó chưa có đủ kinh nghiệm trong trồng trọt chăn nuôi thì phải mất nhiều thời gian. Nếu thuê người làm thì sẽ tốn thêm nhiều chi phí mà doanh thu ban đầu chưa có. Vì vậy, bài toán kinh tế phải được tính thật kỹ để không bị giữa chừng đứt ngang", vị chuyên gia này dành lời khuyên.

Bảo Anh

Theo Trí thức trẻ




Chia sẻ bài viết này:

Bài viết liên quan:
Đà Nẵng Đón Làn Gió Mới Với Những Khu Đô Thị Ven Sông Bài Bản

Sau thời kỳ đóng băng bởi đại dịch Covid-19, Đà Nẵng đang có những bước chuyển mình tích cực để nhanh chóng trở lại đường đua, giữ vững vị thế là thủ phủ du lịch Miền Trung, thành phố đáng...

Kiểm Soát Hoạt Động Môi Giới Bất Động Sản

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản (MGBĐS) Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực MGBĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động...